Cùng nhau tìm hiểu những điều cần chú ý khi nói chuyện trước đám đông dưới góc nhìn của 1 culi nhảm nhí.
Chào mọi người, sau nhiều đêm mất ngủ vì không biết nói làm sao để tạo động lực cho anh em phía dưới tích cực rèn luyện, trau dồi kỹ năng “nói chuyện trước đám đông”, một trong những kỹ năng thực sự cơ bản nhưng vô cùng quan trọng, trong thời buổi người khôn của khó này. Tạo được động lực rồi thì lại đến bước khó hơn là hướng dẫn để anh em dám làm, làm thật, làm ra kết quả, kết quả phải cao nữa, chỉ có thế anh em mới có thêm tự tin để tiếp tục cùng mình tốt hơn mỗi ngày. Ở phần này mình xin phép trình bày ý kiến chủ quan của bản thân về những điều mình nghĩ nên – không nên khi nói chuyện trước đám đông. Có thể những điều mình viết ra đây sẽ giông giống đâu đó trong sách vở, trong không gian mạng rộng lớn này, vì đúng là mình học từ đó ra thật, chỉ có điều mình diễn đạt lại theo ý hiểu của bản thân tại đây, theo 1 cách nhảm nhí.
3 điều nên
Từ trái tim tới trái tim
Mình luôn tin rằng không cần biết bạn trình bày ra sao, kỹ năng thế nào, chỉ cần lời bạn nói luôn luôn là sự thật, là những điều bạn nghĩ, thì nhất định bạn sẽ chạm được đến trái tim của người đối diện. Chỉ có những lời nói dối, những vẽ vời trăng sao, hay được gọi là chém gió là nổ mới khiến bạn mất tự tin, sợ nói sai, sợ bị phát hiện. Trước đây khi mình tìm hiểu về kỹ năng thuyết trình trước đám đông, kỹ năng làm seminar, webinar nọ kia thì ôi thôi 7749 điều cần chú ý, 9981 điều cần chuẩn bị thực sự mình không thể nhớ hết được. U là trời!
Slide đẹp, thu hút, nhiều điểm chạm, kích thích càng nhiều giác quan càng tốt.
Ngôn ngữ hình thể, ánh mắt cử chỉ tương tác với người đối diện.
Giọng nói có điểu nhấn, bài nói có nút thắt, nút mở, truyền tải thông điệp rõ ràng.
v.v.v.
Sau khi có 1 khoản thời gian đi nghe nhiều buổi seminar hay những clip trên youtube thì những bài diễn thuyết hay nhất với mình không phải là những điều cần chú ý ở trên mà là những bài diễn thuyết mình cảm nhận được cảm xúc và sự thật trong từng lời nói của diễn giả vì đó đều là những kinh nghiệm thực tế, những cảm xúc mà diễn giả đã trải qua, điều đó thì chẳng có sách self help nào viết cả.
Nhưng cũng đừng vì thế mà mọi người bỏ qua những 7749 điều cần chú ý ở trên nhé.
Luôn luôn mang đến điều mới mẻ
Cái khó của việc thuyết trình là làm mới 1 vấn đề đã cũ, có thể đã có nhiều người nói qua, nhiều người chia sẻ trước rồi, mọi người đều biết cả rồi, nhưng làm sao qua lăng kính, qua góc nhìn của bản thân cung cấp cho người đối diện 1 cách tiếp cận mới, góc nhìn mới. Có góc nhìn mới là có thêm thông tin mới, có thêm thông tin mới thì đương nhiên là hữu ích rồi phải không nào? Tò mò với những điều mới mẻ có lẽ là 1 phần không thể thiếu của con người. Những em bé chỉ mấy tháng tuổi thôi cũng đã tò mò, thích sờ nắm, thích đưa mọi thứ vào miệng để cảm nhận bằng vị giác rồi. Mình ghét cái kiểu tò mò này lắm, vì trông con rõ khổ ^^.
Đơn giản, dễ nhớ
Sợ nhất là mình luyên thuyên 1 hồi rồi mọi người chẳng ai nhớ nổi vừa được nghe điều gì. Cái gì càng đơn giản thì càng dễ nhớ, dễ tạo ấn tượng lâu bền. Thực ra đơn giản hay phức tạp là tuỳ vào cách suy nghĩ của mỗi người, trình bày hay cảm nhận cũng vậy. Ít ai có thể biến 1 điều phức tạp trở nên đơn giản, dễ nhớ qua lăng kính của bản thân ngay lần đầu tiên. Chỉ có sự tận tâm, tìm tòi, thay đổi liên tục mới giúp chúng ta tiến gần được tới 2 chữ “đơn giản”.
Những điều không nên
Bài viết thì cũng đã dài mà mình cũng chẳng biết viết thêm gì nữa thật, ngoài những điều nên ra thì tất cả những điều còn lại thì đều là điều không nên cả. Nghĩ vậy cho “đơn giản” phải không mọi người.
Cuối cùng thì
Hãy bắt đầu luôn từ giây phút này, đừng chỉ nghĩ mà hãy làm. Trong quá trình thực hành, tập nghĩ, tập nói, tập chia sẻ bất kỳ điều gì với bất kỳ ai, mỗi chúng ta sẽ tự nhận ra điều gì là nên, điều gì là không nên. Có những kỹ năng quan trọng đến nỗi, không cần biết bạn làm nghề gì, đặc thù ra sao, chỉ cần bạn có kỹ năng này mọi thứ sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều.
Đôi lời nhắn gửi
Mấy đứa làm đào tạo hộ anh cái, xin đấy!!! Cùng nhau tốt hơn mỗi ngày.